Theo số liệu nghiên cứu của hãng nghiên cứu quốc tế Gallup thực hiện năm 2011, Chỉ có 48% người Việt Nam cảm thấy công việc của mình là ‘lý tưởng’, xếp hạng chót trong số 22 nền kinh tế châu Á.
Không có sự đam mê với chính doanh nghiệp đang cống hiến, căng thẳng, thời gian lao động dài và vô số những lo lắng khác là những yếu tố khiến người lao động cảm thấy “bất mãn”.
Tại Mỹ, theo báo cáo năm 2012 của Conference Board, chỉ có 47% người Mỹ cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại.
Không hài lòng với công việc không những gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người lao động mà còn tác động tiêu cực tới năng suất lao động. Năng suất lao động thấp cũng chính là một vấn đề lớn đối với người lao động Việt Nam và gây ảnh hưởng xấu tới toàn bộ nền kinh tế.
Beth Thomas, tác giả của cuốn sách “Sức mạnh của sự hài lòng” đã đưa ra những lời khuyên giúp chúng ta giữ được ngọn lửa nhiệt huyết trong công việc qua đó giúp bản thân thành công hơn và cũng là cách thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp hay toàn xã hội.
Dưới đây là 5 lời khuyên bổ ích của Thomas giúp chúng ta hạnh phúc hơn trong công việc:
Không lo lắng thái quá về những điều chưa xảy ra
Thomas phát hiện ra rằng “rất nhiều suy nghĩ tiêu cực của chúng ta bắt nguồn từ những lo lắng về những tình huống mà có thể chúng chẳng bao giờ xảy ra”. Điều này cũng giống như xu hướng được coi là “cẩn trọng” trong kinh doanh khi nhiều doanh nhân thường xuyên phải đặt ra các kế hoạch dự phòng, không ngừng suy nghĩ về những kịch bản tồi tệ nhất trong khi nó hoàn toàn chưa xảy ra. Suy nghĩ này vô hình trung gây ra những áp lực không đáng có cho cuộc sống hiện tại.
“Cách tốt nhất để đối phó với những suy nghĩ tiêu cực là tách rời viễn tưởng so với thực tế”, Thomas ra lời khuyên. Vì vậy, mỗi khi trong đầu chúng ta xuất hiện những ý nghĩ tiêu cực, hãy bình tĩnh phân tích tình hình và tự hỏi liệu đó có thể là thực tế hay chỉ là tưởng tượng
Suy nghĩ lạc quan hơn
“Thay đổi những suy nghĩ tiêu cực bằng những viễn cảnh tích cực hơn có thể cải thiện tâm trạng cũng như suy nghĩ của bạn. Mỗi khi một ý nghĩa tiêu cực xuất hiện trong đầu bạn, hãy ngừng lại một chút và suy nghĩ về những điều tốt đẹp hơn”, Thomas cho biết.
Thực hiện điều này một cách thường xuyên và chúng ta sẽ nhanh chóng tạo được một thói quen mới đó là luôn lạc quan. Điều này sẽ giúp chúng ta không chỉ khiến chúng ta hăng hái hơn trong công việc mà còn hạnh phúc hơn trong cuộc sống thường nhật.
Thường xuyên giúp đỡ người khác
Cho dù chúng ta đang hoạt động từ thiện hay giúp đỡ đồng nghiệp thì điều đó luôn mang lại một cảm giác hạnh phúc bền vững.
Hạnh phúc tại nơi làm việc không phải chỉ là việc bạn đạt được một điều gì đó hay mình nổi bật hơn mà là việc tất cả mọi người trong nhóm đều hoạt động một cách tích cực.
Do đó, hãy thường xuyên giúp đỡ đồng nghiệp khi có cơ hội và tăng cường các hoạt động thiện nguyện.
Hãy nghỉ ngơi
Rất nhiều người luôn chăm chỉ làm việc mà quên mất rằng, cơ thể hay bộ óc cũng cần những khoảng thời gian nghỉ ngơi để lấy lại cân bằng. Thậm chí, nếu đó là một công việc chúng ta yêu thích thì sự căng thẳng do lao động quá độ sẽ vô tình tạo áp lực và khiến bạn trở nên mệt mỏi.
Lời khuyên mà Thomas đưa ra là hãy biết cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. Có thể những hoạt động vui chơi vào cuối tuần, hay tự làm trẻ trung bản thân bằng những hoạt động giải trí ngoài giờ làm việc.
Viết nhật ký về những điều khiến bạn cảm thấy thoải mái
Hạnh phúc không đến từ những việc bạn nhận được những gì chưa xảy ra mà là những gì đã được công nhận và được đánh giá cao. Do đó, hãy viết lại khoảng 5 điều khiến bạn cảm thấy hài lòng trước khi bắt đầu một ngày làm việc hoặc trước khi rời công sở, điều này giúp bộ não chúng ta luôn tập trung vào những điều tích cực và thái độ yêu đời