Những nguyên tắc vàng khi dạy con kỹ năng sống

0
710

Nhiều cha mẹ lúc nào cũng áp đặt con phải làm cái này, phải làm cái kia, phải chào, phải đánh răng… Nếu trẻ làm theo thì bảo “Ui, con ngoan quá”, không làm theo thì lại bảo con hư. Trong khi đó, những bé đối phó mới là khôn.

Nhiều cha mẹ vì quá yêu thương mà bao bọc, làm hết tất cả mọi việc cho trẻ mà không biết rằng điều đó vô tình dẫn đến việc trẻ thiếu hụt kỹ năng sống, không biết cách tự phục vụ bản thân. Bên cạnh đó, việc giáo dục kỹ năng sống cũng chưa được quan tâm. Điều này khiến trẻ gặp phải khó khăn khi trưởng thành trong việc sống độc lập, nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý, Hiệu trưởng Tiểu học và Trung học cơ sở Dream House chia sẻ.

Theo cô, hiện nay dạy kỹ năng sống cho trẻ đang là vấn đề được rất nhiều cha mẹ quan tâm. Họ đua nhau đưa con đến các lớp dạy kỹ năng sống mà không biết rằng đáng lẽ nếu chú ý hơn mình đã có thể dạy con ngay khi còn nhỏ.
“Cha mẹ có thể tận dụng tất các cơ hội, các hoạt động, sự kiện để dạy kỹ năng sống cho con. Vấn đề ở đây là chúng ta cần dạy con kỹ năng gì và dạy như thế nào?”, cô Diệu Lý cho biết.
Những kỹ năng cha mẹ cần dạy cho trẻ như: biết làm chủ bản thân, kiềm chế cảm xúc, tự lập, tự bảo vệ mình; kỹ năng tự tin vào bản thân, sai thì làm lại, biết bảo vệ chính kiến, biết trình bày và biết phản biện, biết thuyết phục. Bên cạnh đó là kỹ năng làm việc hiệu quả, lập kế hoạch như đặt mục tiêu cho năm học, hợp tác lập nhóm học, giải quyết các vấn đề cá nhân xung đột…
Dưới đây, cô Diệu Lý chia sẻ về một số kinh nghiệm trong việc dạy kỹ năng sống cho con:
– Kiến thức chỉ cần đủ để trẻ học những điều khác
Có một thực tế là mỗi khi trẻ từ trường về nhà, một câu nói quen thuộc cha mẹ hay hỏi con mình là “Hôm nay con được mấy điểm?”. Trong khi đó đáng lẽ điều mà họ nên hỏi là “Hôm nay con học được cái gì?”.
Cha mẹ đang quá quan trọng hóa chuyện điểm số, kiến thức mà không biết rằng kiến thức chỉ là một phần nhỏ trong cái con người muốn, chỉ cần đủ để học cái khác. Có thể mượn những kiến thức đó làm cái cớ để dạy con kỹ năng sống.
– Không áp đặt con phải làm gì, không được làm gì
Một sai lầm mà nhiều phụ huynh hay mắc phải là lúc nào cũng áp đặt con phải làm cái này, phải làm cái kia, phải chào, phải đánh răng… Nếu trẻ làm theo thì bảo “Ui, con ngoan quá”, những trẻ cá tính không làm theo thì lại bảo con hư. Trẻ không làm theo thì bị phạt, mắng. Trong khi đó, những trẻ đối phó mới là trẻ khôn.
Thực tế, có những việc cha mẹ cấm nhưng trẻ vẫn làm. Lý do là vì trẻ làm theo là bị ép buộc chứ không phải tự giác làm, mà điều gì không phải do bản thân mỗi người tự giác làm thì sẽ không có tính bền vững. Hôm nay trẻ làm theo những gì người lớn bảo nhưng không ai đảm bảo rằng khi lớn hơn, trẻ cũng sẽ làm theo.
Cha mẹ không biết rằng chính sự áp đặt của mình có thể khiến bé khi lớn lên làm gì cũng sợ sai, không sáng tạo.
– Cho con biết tại sao phải làm cái này
Để con nghe và làm theo thì trước hết chúng ta cần cho con biết tại sao chúng ta phải làm thế. Cha mẹ hãy bỏ qua những quy định tồn tại trước đó, tự đặt tình huống cùng bàn luận với trẻ, hãy để trẻ tự nói lên, tự viết ra những lý do vì sao phải làm thế. Chẳng hạn từ những việc đơn giản như tại sao phải đi vệ sinh, uống sữa đến học bài, rửa tay, đánh răng…
Khi đã hiểu, trẻ sẽ tự ra quyết định, tự viết nội quy, tự giác làm và tự giám sát. Trẻ làm không phải vì sợ mà vì đó là điều đúng, cần thiết. Kết quả đạt được là tập cho trẻ kỹ năng tự đưa ra quyết định, kỹ năng tự nguyện, tự giác.
– Chọn việc dễ nhất để yêu cầu con làm
Cha mẹ hãy vứt hết những điều con mình chưa làm được, mà chọn ra một thứ dễ làm nhất để yêu cầu con thực hiện như: ăn xong phải cất bát. Việc này có thể rất lâu mới đi vào quy củ, thế nhưng một khi con đã thực hiện được thì những việc sau trẻ sẽ làm dễ dàng hơn.
Cô Diệu lý cũng nhấn mạnh, việc giáo dục kỹ năng cho con cần có kế hoạch, từ từ, chậm chạp, không được nóng vôi. Bên cạnh đó, cần tỏ ra tôn trọng con, ghi nhận và khuyến khích những gì trẻ làm được. Điều cha mẹ cần lưu ý là trẻ được quyền mắc lỗi, khi đó cha mẹ có thể giúp con tìm giải pháp tiếp theo chứ không đi vào việc tìm lỗi của ai.

“Đặc biệt không đổ lỗi tất cả cho trẻ. Trong 10 lỗi của trẻ, người lớn cũng cần tìm ra lỗi của mình. Mình đã quan tâm đến con chưa, đã lường trước được hành vi của trẻ chưa, đã tinh tế chưa…”, cô Lý nói.

Bài trướcKỹ năng làm việc nhóm
Bài tiếp theoHọc bổng du học, du học tự túc và những điều cần biết

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây