Bàn về tri thức và quản trị tri thức

0
1429

KHÁI NIỆM TRÍ THỨC VÀ PHÂN LOẠI TRÍ THỨC

Việc định nghĩa và phân loại trí thức phụ thuộc rất nhiều vào mục đích phân loại để làm gì?”. Về phương diện chính trị, những người làm cách mạng cần định nghĩa và phân loại để xây dựng liên minh giai cấp nhằm xây dựng các thể chế khác nhau. Theo cách đó họ quan niệm những người có học vấn, tư tưởng tiến bộ là trí thức. Nhưng trên phương diện sản xuất kinh doanh, trí thức là những người nào có khả năng tiếp nhận, nắm giữ, sáng tạo và ứng dụng tri thức để tạo ra sản phẩm trí tuệ hay sản phẩm vật chất cụ thể cho xã hội. Ví dụ: Tâm Việt chúng tôi làm đào tạo và tư vấn, có những em sinh viên năm thứ nhất đã giảng dạy được và tạo ra dịch vụ cho xã hội, thu nhập cho công ty thì là trí thức chứ không nhất thiết em đó phải tốt nghiệp đại học hay cao đẳng.

Theo quan niệm của chúng ta từ trước tới nay, những người tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng mới là trí thức và chính vì quan niệm này nên chúng ta tạo nên một trào lưu học để lấy bằng cấp. Muốn trở thành trí thức thì chúng ta phải cố để lấy một cái bằng đại học dù là chính quy, tại chức hay bằng II… Điều này tạo ra những con người có kinh nghiệm đi thi nhưng lại thiếu tri thức và kỹ năng để làm việc. Họ có kỹ năng giỏi nhất là kỹ năng thi nhưng làm việc thì lại không thể. Một thực tế rất buồn là tôi đã thử việc một vài thủ khoa các trường đại học ở Hà Nội nhưng cuối cùng đành phải chia tay vì các em có nhiều thông tin nhưng lại thiếu tri thức và kỹ năng để làm việc cụ thể. Chúng tôi hỏi các em cái gì cũng biết nhưng giao việc cụ thể thì lại không làm được gì cả.

Chúng tôi luôn giáo dục nhân viên mình rằng: Dù đất nước chúng ta đi xuống, đi ngang hay đi lên, dù kinh tế đất nước suy thoái hay phát triển… thì trong tất cả những giai đoạn ấy đều cần những người làm được việc. Những người không làm được việc thì chẳng có lý do gì tồn tại cả. Đó là một triết lý đơn giản của những người làm sản xuất kinh doanh.

Nếu chúng ta quan niệm và phân loại trí thức theo bằng cấp thì không hợp lý. Hiện nay có nhiều người không bằng cấp gì nhưng lại làm những việc phi thường và tạo ra những kết quả phi thường. Chúng ta có thế lấy một vài ví dụ: Em Trương Ngọc Đại 13 tuổi học sinh lớp 8A trường THCS Ngô Gia Tự, Hà Nội, đã làm ra phần mềm “An toàn khi tham gia giao thông” là cá nhân duy nhất lọt vào vòng chung khảo cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2007. Em đã viết 4 phần mềm, có hơn 40 bằng khen, giấy khen) là một bất ngờ lớn tại đêm trao giải Trí tuệ Việt Nam 2007 tối 6/1/2008. Vậy thì em Đại có phải là trí thức hay không? Nếu không phải là trí thức thì làm sao em ấy có thể tạo ra được phầm mềm mà các kỹ sư phầm mềm không tạo ra được?. Nhưng nếu xét theo bằng cấp thì rõ ràng em ấy mới chỉ học lớp 8 làm gì có bằng đại học, cao đẳng hay tiến sĩ!

Như vậy chúng ta còn có tiêu chí thứ hai, đó là tiêu chí về kỹ năng làm việc. Ví dụ có những người là thạc sĩ, tiến sĩ, kỹ sư…. được đào tạo rất bài bản, học từ nước ngoài về, nhưng lại không vận hành nổi máy móc, không tạo được sản phẩm trí tuệ hay sản phẩm vật chất phục vụ xã hội. Còn có những người, đặc biệt là các anh chị trong giới doanh nhân chúng tôi, họ không được học hành chính quy, không bằng cấp nhưng họ là những tấm gương đáng để chúng ta ngưỡng mộ. Ví dụ: anh Vũ Văn Tuyến – Giám đốc công ty Vận tải Hoàng Long. Anh xuất thân là một người thợ sửa chữa ôtô không có điều kiện học hành. Nhưng tôi đảm bảo rằng những hiểu biết về ô tô của anh bây giờ có thể hơn bất cứ một sinh viên nào được đào tạo về ôtô tại các trường đại học. Hiện nay anh đang làm chủ một thương hiệu vận tải nổi tiếng là Hoàng Long. Một ví dụ nữa là: Trong các chi nhánh của Tâm Việt, chúng tôi có một giám đốc rất trẻ, em Đoàn Quang Cường sinh năm 1987 và đang là sinh viên năm thứ 2 ĐH Kinh tế Thái Nguyên. Thực tế chứng minh là em có khả năng và làm được và làm rất tốt. Nếu xét về bằng cấp thì rõ ràng em Cường đang năm thứ 2 thì trình độ chưa đạt mức cao đẳng và cũng chưa tốt nghiệp đại học. Người nông dân cũng có thể làm những công việc yêu cầu hàm lương tri thức cao và họ cũng cần phải học hỏi rất nhiều. Vậy vấn đề đặt ra là những tri thức phục vụ trong cuộc sống, trong kinh doanh, nằm trong đầu mỗi con người… được đo lường như thế nào và nên chăng chúng ta có thể định nghĩa và phân loại trí thức dựa trên kỹ năng và khả năng sáng tạo và sử dụng tri thức đó không.

Tôi đề xuất như sau: Trí thức là một bộ phận tinh hoa của tất cả các giai tầng xã hội (có thể là doanh nhân, có thể là nông dân, có thể là công nhân…). Để phân loại chúng ta dùng tiêu chí phân loại là khả năng nắm giữ tri thức và vận dụng tri thức vào công việc của anh ta để sản xuất ra những sản phẩm cụ thể.

QUẢN TRỊ TRI THỨC VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC

Theo quan điểm định nghĩa và phân loại trí thức như trên thì việc việc đánh giá phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của việc sử dụng tri thức để tạo ra cái gì. Trước đây chúng ta coi trọng kết quả tạo ra là sản phẩm trí tuệ. Và chúng ta coi những người làm ra sản phẩm trí tuệ thì mới gọi là trí thức. Như vậy vô hình chung chúng ta coi những người làm công tác khoa học mới là trí thức. Thực tế trong sản xuất kinh doanh hiện nay thì có những sản phẩm có hàm lượng tri thức rất cao, và chúng ta cũng đang bàn nhiều về kinh tế tri thức. Mà kinh tế tri thức lại được đánh giá bằng hàm lượng tri thức đóng góp trong GDP. Như vậy để xây dựng và phát triển đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế liên quan rất nhiều đến môi trường để trí thức phát huy sức mạnh của mình. Xin đề xuất 2 giải pháp:

Giải pháp thứ nhất: Chính sách sử dụng trí thức

Chúng ta có nhiều người tài, người giỏi nhưng không sử dụng, dẫn đến một thực tế là chúng ta trải thảm đỏ mời họ nhưng lại không có chính sách sử dụng hợp lý nên họ lại ra đi. Chúng ta có các chính sách thu hút đầu vào nhưng lại thiếu những cơ chế và cá nhân đủ mạnh để duy trì liên tục. Trong các cơ quan và doanh nghiệp Nhà nước con đường thăng tiến vẫn bị chi phối quá nhiều bởi yêu tố quan hệ, thâm niên công tác mà ít dựa vào tài năng và đóng góp thực sự. Nhiều trí thức rơi vào tình trạng “ngồi chơi xơi nước”, “dao sắc thời gian, cắt gọt tâm hồn”. Nhiều người đầy kỹ năng, đầy nhiệt huyết nhưng không có cơ chế để họ phát huy. Thù lao cũng là điều rất quan trọng cần xem xét. Trước đây văn hóa Đảng ta xây dựng nên là “cống hiến, hi sinh”, chúng ta huy động cả đất nước lao ra mặt trận, mỗi người làm việc gấp 2 gấp 3. Nhưng bây giờ thế giới thay đổi, thời kỳ chiến tranh không còn mà thay vào đó là thời kỳ xây dựng đất nước. Chính vì vậy văn hóa cũng phải thay đổi cho phù hợp. Người ta không thể cống hiến hết mình trong khi bụng đói, nhu cầu cơ bản không được đảm bảo. Người ta không thể chuyên tâm nếu như lương không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày của họ. Chúng ta cần xây dựng lại chính sách thực tế hơn trong việc đánh giá trí thức, đánh giá kết quả lao động của trí thức cũng như biến nó thành hiện thực chứ không chỉ nằm trên giấy tờ.

Giải pháp thứ hai: Triển khai chương trình quốc gia về quản trị tri thức

Để trí thức phát huy sức mạnh và vai trò của mình thì cần có môi trường. Quản trị tri thức là một lĩnh vực mà thế giới đã nhắc đến cách đây chục năm nhưng lại là một lĩnh vực còn mới mẻ đối với Việt Nam. Khi chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu thì chúng tôi chỉ có thể học được từ nước ngoài như ở Malaysia và Mỹ… Chúng tôi tìm khắp Việt Nam thì tìm ra được một người nghiên cứu về Quản trị tri thức là GS Hồ Tú Bảo nhưng ông lại đang dạy ở một trường đại học ở Tokyo. Quản trị tri thức giúp chúng ta chia sẻ, đánh giá, lưu giữ, sáng tạo và phát triển tri thức.Nó tạo ra môi trường để bẩt cứ cá nhân nào cũng có thể tiếp nhận, nắm giữ, chia sẻ, sáng tạo và ứng dụng tri thức để chúng ta trở thành những con người trí thức có thể vận hành công việc ở các vị trí cụ thể. Quản trị tri thức cũng giúp các doanh nghiệp không còn đau đầu về bài toán nhân sự như hiện nay và những vấn đề như một người nắm giữ nhiều tri thức của doanh nghiệp và khi đi thì doanh nghiệp rơi vào tình trạng điêu đứng. Chúng tôi đã tổ chức một hội thảo về Quản trị tri thức ngày 19-20.3 vừa qua. Rất vinh dự cho chúng tôi là có đồng chí Lê Bộ Lĩnh – Phó chủ tịch ủy ban khoa học và giáo dục của Quốc hội đã đến dự và phát biểu ý kiến. Hội thảo cũng được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Chúng ta cần xây dựng và triển khai một chương trình quốc gia về Quản trị tri thức triển khai rộng rãi trong các cơ quan, doanh nghiệp. Có như vậy chúng ta mới thực sự tăng hàm lượng tri thức trong sản phẩm, dịch vụ, trong GDP. Chúng ta không phải xuất khẩu nguyên liệu thô nữa mà huy động được trí tuệ tập thể từ công nhân viên cho đến lãnh đạo. Để triển khai việc này tôi đề nghị Đảng và Chính phủ phải có quan tâm đầu tư và giao cho các bộ, ngành, viên nghiên cứu để nghiên cứu về vấn đề này và phối hợp với lực lượng nòng cốt là Hội các nhà Doanh nghiệp trẻ Việt Nam và Hội tri thức trẻ Việt Nam để triển khai. Chỉ có giới trẻ mới là lực lượng tiên phong, dám nghĩ, dám làm thì chúng ta mới làm được. Nếu chúng ta cứ làm theo cách cũ thì chắc chắn chúng ta không nhận được kết quả như cũ vì thế giới thay đổi quá nhanh nên bắt buộc chúng ta thay đổi tư duy.

Để kết luận tôi xin nhắc lại hai ý chính: Thứ nhất, về khái niệm, tôi không đồng tình với việc phân loại trí thức theo bằng cấp mà cần định nghĩa và phân loại trí thức theo khả năng nắm giữ, sáng tạo và ứng dụng tri thức để tạo ra sản phẩm cụ thể cho xã hội. Thứ hai, về giải pháp thì chúng ta cần thức hiện việc thay đổi chính sách sử dụng và đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức và triển khai Chương trình quốc gia để xây dựng và ứng dụng Quản trị tri thức. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể huy động được sức mạnh và phát huy vai trò đội ngũ trí thứ đáp ứng nhu cầu giai đoạn mới, giai đoạn CNH, HĐH đất nước, hội nhập quốc tế.

Bài trướcHãy làm công việc mình yêu thích và mạnh dạn thay đổi khi thấy phù hợp
Bài tiếp theoCần tuyển nhân viên phục vụ hành khách tại sân bay

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây