Đất nước Việt Nam đang là tiêu điểm được thế giới chú ý. Từ một nước nông nghiệp chậm phát triển, nghèo đói không đủ ăn, chỉ sau 20 năm đổi mới phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình trên 8%/năm. Điều gì đã làm nên sự thần kỳ này? Có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng rõ ràng cộng đồng doanh nghiệp đã đóng vai trò chủ chốt quyết định. Nhờ định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước, những năm qua số lượng doanh nghiệp Việt Nam đã tăng từ vài chục nghìn lên trên 240.000. Để tiếp tục bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước Việt nam, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu và phấn đấu để đến năm 2010 có 500.000 doanh nghiệp. Tuy chỉ tiêu này cũng là quá nhỏ so với các nền kinh tế tiên tiến (nước Mĩ mỗi tháng có hơn 500.000 doanh nghiệp ra đời), nhưng chỉ tiêu quan trọng đầy thách thức này cũng chưa được chú trọng đúng mức.
Số lượng là quyết định, nhưng phần quan trọng hơn là chất lượng. Thời kỳ chiến tranh tất cả cho tiền tuyến, cho quân đội. Thời kỳ kinh tế thị trường thành trì của đất nước là doanh nghiệp. Vì vậy, phát triển cộng đồng doanh nghiệp và xây dựng mô hình để tạo ra các doanh nghiệp mạnh là chìa khóa để phát triển đất nước. Muốn có nền kinh tế tầm cỡ thế giới thì điều không thể thiếu là phải có các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới. Những nước có nền kinh tế phát triển là những nước có các doanh nghiệp tên tuổi: Microsoft của Mĩ, Sony của Nhật, SamSung của Hàn Quốc…
Khi nghiên cứu về các nhà doanh nghiệp hàng đầu thế giới người ta đều nhận thấy rằng đa số những nhà doanh nghiệp đạt được thành công sau những thất bại nặng nề, nhiều khi tưởng như không vượt qua nổi. Nước Việt nam ta cũng vậy, thực tế lịch sử đã chứng minh, trước những nguy cơ, đất nước ta luôn vươn dậy và có những bước ngoặt đột phá để vững bước đi lên. Nước ta đã chính thức gia nhập WTO, nhiều người đang lo ngại về khả năng cạnh tranh để tồn tại của các doanh nghiệp Việt Nam chứ chưa nói đến sự phát triển. Thực tế việc gia nhập WTO và mở cửa kinh tế là hoàn toàn có lợi cho nước nhà. Những doanh nghiệp manh mún, làm ăn chộp giật không còn chỗ đển tồn tại. Bắt buộc chúng ta phải làm ăn bài bản, chuyên nghiệp có tính hệ thống cao. Thực hiện đúng bản chất của kinh tế thị trường, dám cạnh tranh lành mạnh chắc chắn sẽ tồn tại và phát triển.
Trong bản tham luận này chúng tôi không đi sâu vào chính sách vĩ mô mà chỉ muốn bàn về một số điều cốt lõi trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp – chìa khóa của sự thành công để các doanh nghiệp Việt nam có thể phát triển vươn ra thế giới. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của “thế giới phẳng”, chỉ có xây dựng văn hóa doanh nghiệp mới đảm bảo để chúng ta vững vàng hội nhập mà không bị hòa tan.
Tại sao Văn hóa doanh nghiệp
Chúng ta thường nói “đi tắt đón đầu”, nhưng “muốn vượt phải đuổi kịp đã”. Trước hết chúng ta xem những nước tiên tiến họ làm gì để phát triển. Những năm cuối thế kỷ 20 nước Mĩ giật mình vì một nước Nhật bại trận sau thế chiến thứ 2, chỉ trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ đã trở thành một cường quốc kinh tế và bành trướng khắp thế giới, lấn át người Mĩ ngay trên nước Mĩ với những thương hiệu mạnh như Sony, Toyota, Honda… Các nhà nghiên cứu kinh tế Mĩ đầy thực dụng đổ xô sang tận đất nước mặt trời để nghiên cứu về công nghệ, tài chính… và cuối cùng tìm ra kết luận: “Các công ty Nhật ưu tiên hàng đầu cho xây dựng văn hóa doanh nghiệp mà trọng tâm là đầu tư vào con người, xây dựng một đỗi ngũ nhân viên trung thành tận tụy suốt đời với sứ mệnh của doanh nghiệp”.
Trong thời đại “thế giới phẳng” mọi quan niệm đã hoàn toàn thay đổi. Không thể giải quyết vấn đề của thời đại mới bằng tư duy cũ. Nếu chúng ta không dịch chuyển tư duy không bắt kịp xu thế thời đại thì không thể tồn tại chứ đừng nói đến phát triển. Thời kỳ chiến tranh lạnh đã qua, việc chỉ dựa vào vốn tiền tệ, công nghệ và tài nguyên thiên nhiên không còn là năng lực cạnh tranh cốt lõi nữa. Thời đại ngày nay tiền không thiếu, nếu ta có dự án tốt, các ngân hàng sẽ đổ xô đến cho vay tiền với các điều kiện ưu đãi khác nhau. Công nghệ cũng vậy, nếu có tiền các công ty sẽ lao vào cung cấp cho chúng ta các công nghệ tiên tiến nhất.
Mấu chốt hiện nay là gì? Chúng ta đã bước vào thời kỳ cạnh tranh bằng Vốn tri thức, bằng tài nguyên con người. Đất nước ta với dân số trên 80 triệu dân, con người cần cù và thông minh. Rõ ràng chúng ta có một ưu thế cạnh tranh vượt trội. Tuy vậy, tài nguyên vẫn chỉ là tài nguyên, cũng hệt như lúa gạo, cà phê, dầu mỏ… chúng ta vẫn chỉ xuất thô là chính. Những con người Việt nam cần cù thông minh vẫn chỉ được đào tạo rất ít rồi xuất thô cho các công ty tư bản. Họ đào tạo lại, gia tăng giá trị, và thu lợi nhuận sau khi trả một mức lương tối thiểu.
Thương trường là chiến trường. Trung Quốc đã dùng “Tôn tử binh pháp” để làm kinh tế, chúng ta cũng có thể nghiền ngẫm lại các bài học của chiến tranh nhân dân để làm kinh tế. Về lý thuyết ta có thể áp dụng các triết lý đã thành công vào mọi hoàn cảnh, lĩnh vực. Triết lý là công cụ, ta chỉ cần linh hoạt áp dụng vào điều kiện cụ thể chắc chắn sẽ thành công. Chúng ta đã đánh thắng các đế quốc lớn bằng cách gắn kết con người Việt nam lại với nhau. Mỗi đơn vị, mỗi tổ chức là một pháo đài vững chắc, quyết tâm chiến thắng mọi thế lực. Vậy làm thế nào để gắn kết con người Việt nam trong thời kỳ kinh tế thị trường? Đấy chính là xây dựng Văn hóa doanh nghiệp, nền tảng để gắn kết con người, biến mỗi công ty thành một thành trì kinh tế vững chắc hoàn thành sứ mệnh của chính mình và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế Việt nam.
Trong môi trường hội nhập WTO, điều đáng lo ngại là chảy máu chất xám, các doanh nghiệp Việt Nam phải trả lời câu hỏi: “điều gì khiến con người gắn bó với doanh nghiệp, điều gì làm cho doanh nghiệp trường tồn vượt xa cuộc đời những người sáng lập? Đó chính là văn hóa doanh nghiệp. Ở mức độ thấp, chắc là đồng lương có thể khiến mọi người lung lay, nhưng ở mức độ cao, khi được giác ngộ nhu cầu về lý tưởng và mục đích sẽ quyết định hành động.
Trong thực tế, doanh nghiệp như là một gia đình thứ 2 của người lao động. Mỗi ngày có 24 tiếng, ngoài 12 tiếng cho nhu cầu tối thiểu như ăn, ngủ, vệ sinh… mỗi người đều dùng thời gian chính 8-10 tiếng tại doanh nghiệp. Vậy một môi trường làm việc tốt với đời sống văn hóa cao sẽ tạo điều kiện cho tài năng phát triển, nâng cao năng lực cá nhân, nhân tài và phát triển tinh thần đoàn kết của các thành viên…
Việc xây dựng và tuyên truyền về văn hóa doanh nghiệp còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển văn hóa dân tộc. Trong thời kỳ cứu nước, Đảng ta đã xây dựng quân đội hùng mạnh không chỉ có tính chiến đấu cao mà còn có văn hóa mạnh, không những chỉ là lực lượng chiến đấu bảo vệ đất nước mà còn là nòng cốt tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa. Doanh nghiệp có lợi thế về kinh tế, là một đơn vị có tính tổ chức cao vì vậy ngoài mục đích đóng góp kinh tế, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp không chỉ để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp mà cần phát huy cộng đồng doanh nghiệp thành một lực lượng nòng cốt nâng cao đời sống văn hóa xã hội góp phần xây dựng đất nước.
Nước ta là một nước đi lên từ sản xuất nông ngiệp, nhận thức về doanh nghiệp còn chưa cao, trong đầu vẫn có thói quen nghĩ doanh nghiệp là “gian thương”. Vì vậy, việc xây dựng và tuyên truyền văn hóa doanh nghiệp cũng là một phương tiện để thay đổi cách nhìn của xã hội, nhất là định hình cho giới trẻ. Chỉ có ham muốn làm giàu mới có thể xây dựng đất nước phát triển.
Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp:
Có thể định nghĩa: Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống niềm tin, giá trị và chuẩn mực giải quyết vấn đề được xây dựng trong quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp, và được thể hiện trong các hình thái vật chất và hành vi của các thành viên.
Văn hóa doanh nghiệp được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau. Cấp dễ thấy nhất đó là thực thể hữu hình như những đồ vật: báo cáo, sản phẩm, bàn ghế, phim… hoặc công nghệ: máy móc, thiết bị, nhà xưởng… hoặc ngôn ngữ: chuyện cười, truyền thuyết, khẩu hiệu… hoặc các chuẩn mực hành vi: nghi thức, lễ nghi, liên hoan… hoặc các nguyên tắc, thủ tục, chương trình…
Cấp thứ hai đó là các giá trị được thể hiện, cách ta đánh giá sự vật cách ta lựa chọn và ra quyết định. Giá trị được phân chia làm 2 loại. Loại thứ nhất là các giá trị tồn tại sẵn ngay trong doanh nghiệp một cách khách quan và hình thành tự phát. Loại thứ hai là các giá trị mà lãnh đạo mong muốn doanh nghiệp mình có và phải xây dựng từng bước
Cấp thứ ba là các ngầm định nền tảng. Đó là các niềm tin, nhận thức, suy nghĩ và xúc cảm được coi là đương nhiên ăn sâu trong tiềm thức mỗi cá nhân trong doanh nghiệp. Các ngầm định nền tảng là cơ sở cho các hành động và cư xử của doanh nghiệp.
Khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp người ta thường chú trọng về: Sứ mệnh, tầm nhìn, khẩu hiệu, lô-gô, giá trị cốt lõi, người hùng.
Sứ mệnh
Mỗi một doanh nghiệp ra đời đều mang một sứ mệnh. Sứ mệnh của doanh nghiệp trả lời cho câu hỏi: Tại sao ta lập doanh nghiệp, mục đích lâu dài của nó là gì? Doanh nghiệp làm gì để tồn tại và phát triển? Khi sứ mệnh của doanh nghiệp được tuyên bố rõ ràng thì các thành viên sẽ dễ dàng hơn trong việc ra quyết định sẽ làm gì và làm như thế nào để cùng doanh nghiệp luôn luôn đi đúng hướng và thực hiện được sứ mệnh của nó. Khi nhân viên hiểu biết về sứ mệnh của doanh nghiệp sẽ tin tưởng hơn vào con đường mà mình đang đồng hành cùng doanh nghiệp, thấy rõ ý nghĩa của công việc mình đang thực hiện.
Có một nghịch lý là nhiều doanh nghiệp rất đoàn kết phấn đấu phát triển trong thời kỳ đầu khó khăn, nhưng đến khi tạm đứng vững được thì lại nhanh chóng tan rã. Điều đó chỉ có thể giải thích do những người sáng lập doanh nghiệp không xác định rõ sứ mệnh lâu dài của doanh nghiệp mà ban đầu chỉ do quá nghèo và với ý nghĩ đơn giản là làm doanh nghiệp để đỡ nghèo. Đến khi đỡ nghèo lại không biết làm gì tiếp. Hoặc trong thời kỳ mới thành lập mọi người ai cũng sợ phá sản nên phấn đấu hết mình, đến khi tương đối ổn định, có tí tiền lại rất khó tập hợp lực lượng. Mục đích của doanh nghiệp lớn hơn cả tiền, và tiền chỉ là công cụ. Chỉ có sứ mệnh rõ ràng, vì mục đích lớn lao, lâu dài, thì doanh nghiệp mới trường tồn được.
Ví dụ, Công ty Tâm Việt có sứ mệnh là: Tâm Việt chuyên sâu đào tạo kỹ năng lãnh đạo bản thân, lãnh đạo tổ đội, lãnh đạo tổ chức và xây dựng văn hoá tổ chức nhằm phát huy tối đa tiềm năng của mỗi con người và cộng đồng.
Tầm nhìn
Tầm nhìn (hay còn gọi là viễn cảnh) là bức tranh lý tưởng về doanh nghiệp trong tương lai. Sứ mệnh trả lời câu hỏi: Doanh nghiệp làm gì thì Tầm nhìn lại trả lời câu hỏi: Doanh nghiệp sẽ đạt được gì, sẽ đi đến đâu? Tầm nhìn là kết quả của việc thực hiện sứ mệnh nếu như không có bất cứ khó khăn hay trở ngại gì.
Ví dụ về tầm nhìn của công ty Tâm Việt: Tâm Việt là tổ chức hàng đầu về giáo dục và đào tạo, nhằm giúp mọi người phát huy tối đa khả năng bản thân để sống hạnh phúc và thành đạt, cùng nhau xây dựng thế giới hoà bình, thịnh vượng.
Bức tranh tương lai đó phải được mô tả một cách xúc tích, diễn cảm, dễ nhớ, say mê lòng người. Tầm nhìn phải được viết ra, công bố và tuyên truyền trong doanh nghiệp. Tầm nhìn phải bao gồm những yếu tố quan trọng như:
– Mô tả một bức tranh thống nhất về tương lai của doanh nghiệp;
– Thể hiện trạng thái trong tương lai trong mối tương quan so sánh (ví dụ: so với đối thủ, so với trình độ công nghệ, so với sự đáp ứng nhu cầu khách hàng…);
– Có chú ý đến sự thay đổi của xu hướng phát triển, môi trường hoạt động;
– Tạo nên cách hiểu chung, nền tảng chung cho tất cả mọi người.
Nếu như kinh doanh là một trò chơi và doanh nghiệp là người chơi thì Sứ mệnh chỉ dẫn ta chơi trò gì, còn Tầm nhìn chỉ cho ta thấy ta sẽ trở thành người chơi tầm cỡ nào và cách chúng ta chơi như thế nào. Biết rõ địa điểm đến chúng ta mới xác định được phương tiện và tốc độ của cách đi. Có nhìn xa mới đi nhanh được. Tầm nhìn giúp doanh nghiệp tập hợp lực lượng. Khi doanh nghiệp có tầm nhìn rõ ràng, thống nhất thì việc thiết lập các mục tiêu, các nguyên tắc, ra các quyết định… dễ dàng hơn. Con người chỉ có thể đoàn kết với nhau khi có mục đích cụ thể, phấn đấu hết mình khi mục tiêu rõ ràng.
Sứ mệnh và tầm nhìn giúp doanh nghiệp giữ nhân tài. và Theo Abraham Maslow, con người có 5 mức như cầu từ thấp đến cao: như cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu quan hệ xã hội, nhu cầu được tôn trọng và cao nhất là nhu cầu tự thể hiện mình. Những người có tài thực sự có những nhu cầu cao hơn những người lao động bình thường. Như vậy để giữ những người tài thì lương chỉ là một yếu tố nhỏ để đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Khi vượt qua nhu cầu tối thiểu nhu cầu được tôn trọng và tự thể hiện cao thì văn hóa doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định đối với việc gắn bó hay rời bỏ doanh nghiệp. “Ông Võ Quốc Thắng, Tổng giám đốc Công ty gạch Đồng Tâm, cảnh báo: “Doanh nghiệp cần phải chỉ ra cho nhân viên một lộ trình tương lai. Nếu không, thì họ sẽ ra đi, công đào tạo trở thành công bắt tép nuôi cò”.
Một cán bộ của ACB được đào tạo ở trường đại học hàng đầu ở nước ngoài chấp nhận mức lương khiêm tốn chỉ vì câu nói của lãnh đạo: “Tôi không thể trả lương cho cậu cao như các ngân hàng nước ngoài, nhưng làm việc với ACB chúng ta có chung một sứ mệnh là chứng minh rằng ngân hàng Việt Nam có thể kinh doanh giỏi trên lĩnh vực tài chính, đứng vững và đương đầu trong cạnh tranh khu vực”.
Khẩu hiệu
Khẩu hiệu là những câu nói cô đọng, cụ thể, thôi thúc và thu hút thể hiện được sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Khẩu hiệu không chỉ được treo, dán khắp nơi mà cần phải được phổ biến sâu rộng để ăn sâu vào tiềm thức mọi người. Khẩu hiệu là kim chỉ nam để định hướng và nhắc nhở hành vi của các thành viên doanh nghiệp cũng như thu hút khách hàng. Hồ Chủ Tịch là người thấu hiểu sức mạnh tập hợp lực lượng của khẩu hiệu. Thời kỳ giành độc lập dân tộc, trước cảnh lầm than đói nghèo của nông dân, với khẩu hiệu “người cày có ruộng” Bác Hồ đã tập hợp được toàn Đảng toàn dân tham gia kháng chiến và giành độc lập cho đất nước. Trong kháng chiến chống Mỹ, với sứ mệnh mới, Hồ Chủ Tịch đã đề ra khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” để đem lại chiến thắng huy hoàng ngày 30/4/1975. Khẩu hiệu của Tâm Việt: “Làm Tâm người Việt sáng hơn, nâng Tầm người Việt cao hơn”, của Bitis: “Nâng niu bàn chân Việt”, của Trung Nguyên: “Khơi nguồn sáng tạo”… Khẩu hiệu ngoài thể hiện bản chất mong muốn của mỗi doanh nghiệp còn phải độc đáo và khác biệt. Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ giá trị và tầm quan trọng của khẩu hiệu nên thường thì không có, hoặc có thì rất chung chung, quá mĩ miều hoặc đại ngôn. Những câu khẩu hiệu như vậy không thể hiện được bản chất của doanh nghiệp, và có thể áp dụng cho bất cứ tổ chức nào cũng được. Ví dụ: “Hàng đầu thế giới”, “Thành công mĩ mãn”…
Giá trị cốt lõi
Giá trị cốt lõi là những phẩm chất được đánh giá là cao quí nhất trong doanh nghiệp. Giá trị cốt lõi không thay đổi theo thời gian. Giá trị cốt lõi là thước đo mọi hành vi; là nền tảng, là những điều “luật bất thành văn” ăn sâu trong tiềm thức, ngấm vào máu các thành viên và được thể hiện qua hành vi hàng ngày. Giá trị cốt lõi là căn cứ cuối cùng để ra quyết định khi có xung đột về quyền lợi và thường chỉ giới hạn tối đa 5 giá trị, nó thực sự thể hiện sự khác biệt của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có bảng giá trị cốt lõi khá dài, chỉ thể hiện các mong muốn tốt đẹp của lãnh đạo mà không thể hiện cái đã hình thành ăn sâu trong mỗi thành viên của doanh nghiệp, đã được tôi luyện và giữ vững qua thử thách trong thời gian gian khá dài. Giá trị được thể hiện rõ nhất thông qua người hùng và các huyền thoại trong doanh nghiệp.
Người hùng
Một đất nước mạnh nhờ có các doanh nghiệp mạnh, một doanh nghiệp mạnh phải có những con người mạnh. Hình ảnh người hùng của doanh nghiệp đóng vai trò then chốt cho sự thành công của doanh nghiệp. Theo Deal và Kennedy: “Người hùng doanh nghiệp là người tạo động lực tuyệt vời. Như một pháp sư mà mọi người đến cầu cứu khi công việc trở nên khó khăn. Sự anh hùng chính là một phần của năng lực lãnh đạo mà các nhà quản trị hiện đại đang bỏ quên”. Người hùng doanh nghiệp thường thực hiện các chức năng sống còn sau:
– Làm cho thành công dường như có thể đạt được và là bổn mệnh của mỗi cá nhân;
– Tạo mẫu người tiêu biểu cho việc đặt chuẩn thực hiện công việc cao cho người khác noi theo ;
– Hình tượng hoá doanh nghiệp trong mắt công chúng;
– Duy trì và thúc đẩy các giá trị văn hoá doanh nghiệp và tôn thờ những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp;
– Khuyến khích cam kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp và thúc đẩy mọi người nhận ra nhũng thành tích cá nhân và thành công của doanh nghiệp;
– Tạo động lực cho nhân viên;
Thực tế con người về bản chất là thích bắt chước các hình mẫu. Mới sinh ra chúng ta phát triển và hình thành tính cách bằng cách học theo khuôn mẫu của bố, mẹ, anh chị. Lớn lên ai cũng chọn cho mình một thần tượng và cố gắng để giống người hùng của mình từ hình thức đến tính cách. Hồ Chủ Tịch là thiên tài trong việc sử dụng người hùng để lôi kéo và tập hợp lực lượng, thúc đẩy ý chí phấn đấu của các tập thể. Trong bất cứ lĩnh vực nào Người cũng tạo ra hình mẫu để mọi người noi theo: Đồng bào dân tộc thiểu số theo gương anh hùng Núp, thiếu niên có Kim Đồng, phòng không có Nguyễn Viết Xuân, chăn nuôi có Hồ Giáo…
Một trong những lý do của việc kinh tế chậm phát triển là hiện nay ta ít xây dựng người hùng, chuẩn mực để mọi người phấn đấu noi theo. Ngược lại, trong đầu chúng ta chỉ có các hiện tượng tham nhũng vì các thông tin đại chúng thường đồng loạt truyền tải nhiều kỳ. Chống tham nhũng là rất quan trọng, đảm bảo không thụt lùi. Nhưng muốn phát triển thì phải lấy xây làm gốc. Xây tốt cũng chính là chống hiệu quả nhất. Nguyễn Trãi “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, đem chí nhân để thay cường bạo”. Muốn xây dựng năng lực cạnh tranh cho đất nước nói chung và cho doanh nghiệp nói riêng chúng ta phải học tập Hồ Chủ Tịch “ngành ngành thi đua, người người thi đua, ngày ngày thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.
Kết luận
Một dân tộc, một đạo giáo, một đảng phái, một tổ chức nói chung dù to hay nhỏ đều trường tồn vì có văn hóa mạnh. “Văn hóa là cái còn thiếu khi ta có tất cả và cái duy nhất còn lại khi ta đã mất hết”. Trong tế giới của vốn tri thức và tài nguyên con người, giá trị sản phẩm chủ yếu nằm trong giá trị vô hình thì việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp càng bức thiết và là một công cụ cạnh tranh mạnh, để đảm bảo được sự trường tồn và phát triển của doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp ngày càng đóng vai quyết định đến đời sống của dân tộc. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp không chỉ vì sự phát triển của chính bản thân doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển văn hóa dân tộc đảm bảo hội nhập mà không hòa tan.
Trên thực tế nhiều người đã nhận thức rõ vai trò quan trọng của xây dựng văn hóa doang nghiệp, nhưng vì những lợi ích trước mắt lôi kéo, nên nhiều doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý chưa chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Trước đây doanh nghiệp chủ yếu là của Nhà nước, vì vậy, văn hóa doanh nghiệp là thống nhất và ổn định. Với xu thế cổ phần hóa và phát triển kinh tế tư nhân như hiện nay thì vai trò xây dựng văn hóa doanh nghiệp càng quan trọng hơn bao giờ hết. Các cơ quan quản lý cần kết hợp với cộng đồng doanh nhiệp nghiên cứu và xây dựng chuẩn mực và các điển hình văn hóa để đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững cũng như nâng cao đời sống văn hóa dân tộc